Thẩm phán là một nghề vinh quang nhưng phải chịu nhiều áp lực, khó khăn, vất vả. Với trọng trách của người bảo vệ và thực thi công lý, Thẩm phán luôn phải đối mặt với những rủi ro, nguy hiểm, cám dỗ, vì mỗi phán quyết của họ tác động trực tiếp đến tự do, danh dự, nhân phẩm, tài sản và cả tính mạng con người. Chính vì vậy, hoạt động của Thẩm phán luôn được đặt dưới sự giám sát nghiêm ngặt của người dân và xã hội. Người dân đòi hỏi ở Thẩm phán những phẩm chất cao quý với những đánh giá khắt khe: bên cạnh trình độ chuyên môn giỏi; sự hiểu biết sâu rộng về xã hội, khoa học…, Thẩm phán phải là người có đạo đức, lòng dũng cảm, dám đấu tranh không khoan nhượng với tội phạm và vi phạm pháp luật; có tinh thần thượng tôn pháp luật; luôn tuân theo lẽ công bằng; có trách nhiệm với xã hội và có tấm lòng nhân hậu. Kiến thức chuyên môn chỉ có thể được phát huy khi người Thẩm phán có bản lĩnh chính trị vững vàng, có tinh thần trách nhiệm, sự vô tư, khách quan, đức thanh liêm và trung thực, tính cần mẫn và tận tụy trong công việc,…
Để đáp ứng được những đòi hỏi khắt khe của xã hội, Phó Chánh án, Thẩm phán Đinh Thị Hồng trong suốt chặng đường sự nghiệp của mình không ngừng học tập, rèn luyện, trau dồi phẩm chất đạo đức, luôn đặt chất lượng, hiệu quả công việc lên trên hết và xác định hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân tin tưởng, giao phó trong mọi hoàn cảnh, trên bất kỳ cương vị nào.
Bà Đinh Thị Hồng, Phó Chánh án, Thẩm phán Tòa án nhân dân huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang
Trong công tác quản lý: Với cương vị Phó bí thư chi bộ, Bà giúp Bí thư xử lý công việc thường xuyên của chi bộ về công tác xây dựng đảng; chỉ đạo việc chuẩn bị các dự thảo báo cáo, chương trình, kế hoạch công tác của chi bộ đảm bảo chính xác, kịp thời. Trực tiếp phụ trách công tác kiểm tra, giám sát của chi bộ; phụ trách các đoàn thể cơ quan, đơn vị. Ký các văn bản của chi bộ thuộc lĩnh vực phụ trách và khi Bí thư chi bộ ủy quyền; thay mặt chi ủy, chi bộ giải quyết các công việc khi Bí thư đi vắng. Trong 5 năm qua, tình hình chính trị trong chi bộ ổn định, đảng viên, công chức luôn có lập trường tư tưởng chính trị vững vàng, luôn chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của nhà nước; không có đảng viên, công chức nào có biểu hiện tư tưởng lệch lạc, dao động về nhận thức chính trị, không xảy ra trường hợp tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Hằng năm, Chi bộ đều đạt “Chi bộ trong sạch vững mạnh”. Trong đó, năm 2019 chi bộ được Đảng bộ huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang công nhận là “Chi bộ mẫu”. Năm 2022, Bà được Đảng bộ huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang tặng “Giấy khen” do hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Bắc Quang lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025.
Với cương vị là Phó Chánh án, giúp Chánh án thực hiện các nhiệm vụ theo sự phân công của Chánh án, quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết của Ban cán sự đảng, Chỉ thị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Nghị quyết của Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tỉnh Hà Giang về việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm công tác hằng năm. Đã chủ động tham mưu, đề xuất với lãnh đạo xây dựng Chương trình công tác trọng tâm, Kế hoạch thực hiện giải pháp đột phá; xây dựng quy chế làm việc và phân công công tác; Xây dựng kế hoạch phát động phong trào thi đua, đăng ký giao ước thi đua hằng năm; đăng ký mô hình điển hình tiên tiến, triển khai kế hoạch thi đua theo đợt, lập thành tích chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn hàng năm. Chỉ đạo và thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan chuyên môn của huyện và chính quyền địa phương trong quá trình giải quyết các loại án, thi hành bản án, quyết định của Tòa án, cùng với lãnh đạo đơn vị xử lý tình huống khó, phức tạp phát sinh tại đơn vị. Kết quả: Từ 01/12/2017 đến 30/4/2023 đơn vị đã giải quyết được 2.286 vu, việc các loại. Tỷ lệ bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan của Thẩm phán, chiếm tỷ lệ 0,13%. Trong 5 năm liền, đơn vị đạt danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc”, trong đó năm 2018 đơn vị được tặng “Cờ thi đua của Chính phủ”, năm 2019 được tặng “Bằng khen” của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, năm 2021 được tặng “Cờ thi đua Tòa án nhân dân”. Bản thân Bà luôn tham mưu kịp thời cho lãnh đạo đơn vị trong công tác quản lý và đề ra các giải pháp về đổi mới thủ tục hành chính tư pháp; tham mưu xây dựng kế hoạch cải cách tư pháp trong hoạt động của đơn vị, đổi mới phong cách, lề lối làm việc, nâng cao hiệu quả chất lượng trong công tác quản lý và điều hành, xây dựng và thực hiện quy trình tiếp nhận, phân loại và giải quyết đơn thư, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân đến làm việc hoặc các vấn đề có liên quan đến công tác tại Tòa án.
Trong công tác chuyên môn: Bà luôn chủ động xây dựng kế hoạch làm việc, kế hoạch giải quyết từng vụ án một cách khoa học, chú trọng và nâng cao công tác hòa giải án hôn nhân gia đình, dân sự và kinh doanh thương mại nhằm giảm bớt mâu thuẫn, bức xúc của người dân cụ thể đã hòa giải thành và công nhận thuận tình ly hôn đạt tỷ lệ bình quân 75%. Ngoài ra, trong quá trình giải quyết các vụ án bản thân Bà cũng đề ra các giải pháp gắn với công việc thực tế của đơn vị như đổi mới phong cách, lề lối làm việc và áp dụng công nghệ thông tin phục vụ cho công tác của cơ quan đơn vị và công tác chuyên môn đạt hiệu quả cao. Bên cạnh đó, Bà luôn có tinh thần phối hợp chặt chẽ đối với các cơ quan Nhà nước, đặc biệt các cơ quan tiến hành tố tụng và Ủy ban nhân dân các xã thực hiện tốt việc xét xử án điểm và mở các phiên tòa rút kinh nghiệm, giải quyết các vụ án tranh chấp dân sự nhất là tranh chấp đất đai... Trong công tác luôn tận tụy với nghề, là tấm gương điển hình trong rèn luyện, thực hiện chức trách nhiệm vụ của Thẩm phán. Kết quả đạt được: Trong giai đoạn từ 01/12/2017 đến 30/4/2023 Bà đã giải quyết 476 vụ, việc; bình quân là 7,3 vụ, việc/tháng, cao hơn số lượng bình quân đối với các Thẩm phán trong đơn vị giải quyết, xét xử là 0,3 vụ, việc/tháng (Tổng số án đơn vị giải quyết là 2.286 vụ, việc/ 5 thẩm phán, số lượng bình quân các Thẩm phán trong đơn vị giải quyết, xét xử là 7 vụ, việc/tháng); hòa giải 357 vụ, việc. Trong tổng số án Bà đã giải quyết không có án quá hạn luật định; không có án bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan của Thẩm phán; tổ chức được 11 phiên tòa rút kinh nghiệm (bình quân 02 vụ/năm); công bố bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật thuộc diện phải công bố 305/305 bản án, quyết định trên Cổng thông tin điện tử Tòa án nhân dân tối cao.
Bà Đinh Thị Hồng vinh dự nhận được phần thưởng cao quý từ lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao tại Hội nghị triển khai công tác Tòa án năm 2019
Với những kết quả đạt được, trong 03 năm từ năm 2020 đến 2022, Bà đều được xếp loại công chức “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”, trong đó năm 2020 và năm 2022 Bà được xét tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở" và năm 2021 được tặng “ Bằng khen” của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.
Để đạt được những thành tích cao trong mọi mặt công tác Bà đã nghiên cứu, tìm tòi đưa ra những biện pháp để thực hiện nhiệm vụ của người Thẩm phán, đó là: Trong công tác giải quyết, xét xử các loại vụ án, Bà luôn xây dựng Kế hoạch nghiên cứu hồ sơ một cách khoa học, thu thập đầy đủ tài liệu, chứng cứ phục vụ trong giải quyết, xét xử án. Xây dựng và hoàn thiện kế hoạch xét hỏi, kế hoạch tổ chức phiên tòa theo đúng quy định; thực hiện đầy đủ, kịp thời và đúng quy định về chế độ báo cáo; đối với các vụ án đặc biệt nghiêm trọng, vụ án dư luận xã hội quan tâm… thì chủ động đề xuất thảo luận những khó khăn, vướng mắc với các Thẩm phán, nếu không thống nhất về quan điểm thì báo cáo lãnh đạo cấp trên kịp thời tháo gỡ. Trong xét xử, việc xét hỏi, tranh luận, nghị án được thực hiện một cách khoa học, hợp lý, trọng tâm và đầy đủ, thời gian làm việc liên tục và khẩn trương; tạo điều kiện cho Kiểm sát viên, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự, những người tham gia tố tụng hỏi để làm sáng tỏ vụ án, việc điều hành phần tranh luận phải đảm bảo dân chủ, theo đúng trình tự thủ tục tố tụng; tất cả những nội dung liên quan đến vụ án cần được làm sáng tỏ công khai tại phiên tòa. Cùng với việc nghiên cứu hồ sơ và chuẩn bị phiên tòa cần phải hoàn thiện bản án để đảm bảo việc tuyên án và phát hành bản án, công khai hóa các bản án, quyết định đúng thời hạn quy định. Đối với các vụ việc dân sự, luôn chú trọng công tác hòa giải, bố trí phòng hòa giải thân thiện; thu thập đầy đủ các chứng cứ, tài liệu của vụ án và lựa chọn thời điểm hòa giải thích hợp. Khi hòa giải, thường xuyên vận dụng kỹ năng điều đình, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng thuyết phục để hóa giải mâu thuẫn của các đương sự. Nhằm hàn gắn những tình cảm trong nội bộ nhân dân cũng như trong mỗi gia đình.
Bà đã đúc rút ra được những bài học kinh nghiệm thiết thực trong thực hiện nhiệm vụ của người Thẩm phán, Bà chia sẻ: Một là: Trong quá trình giải quyết các loại vụ án phải được tiến hành minh bạch, công khai và hết sức cẩn trọng, đảm bảo các nguyên tắc tố tụng theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và Bộ luật Tố tụng Dân sự. Hai là: Thường xuyên rèn luyện nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp; phải công tâm trong công tác giải quyết, xét xử các loại vụ án; phải có ý thức chấp hành tổ chức kỷ luật nghiêm túc; kiên quyết bảo vệ pháp luật, bảo vệ công lý với ý thức trách nhiệm cao. Ba là: Tâm huyết với ngành, biết tự giác sửa chữa khuyết điểm. Tích cực học tập, nâng cao trình độ chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học; biết ứng dụng công nghệ thông tin và có sáng kiến kinh nghiệm trong công tác, để có đủ trình độ và năng lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng cao của ngành. Bốn là: Luôn biết lắng nghe, chia sẻ và có sự cảm thông với những khúc mắc, khó khăn của người dân và luôn đặt phương pháp kiên trì thuyết phục hòa giải trong mỗi vụ án dân sự và phải tuân thủ đúng các quy định của pháp luật, đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của các bên đương sự.
Để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao thì ngoài công tác chuyên môn Bà luôn chú trọng các công tác khác, như: Công tác xây dựng Đảng, làm tốt vai trò đoàn kết, phát huy trí tuệ tập thể, phát huy dân chủ, lắng nghe và tiếp thu các ý kiến đóng góp của quần chúng để xây dựng Đảng, xây dựng tổ chức vững mạnh, hình thành khối đại đoàn kết, thống nhất trong đơn vị. Tổ chức cho Công đoàn cơ sở tham gia các phong trào của Công đoàn huyện phát động, luôn chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng cho công chức, đoàn viên của tổ chức mình, chỉ đạo Đoàn Thanh niên tham gia tích cực các hoạt động theo chủ trương của Đoàn cấp trên, chăm lo giáo dục đoàn viên, tạo nguồn phát triển cho Đảng. Công tác tham gia các hoạt động văn hóa xã hội, thể thao, hoạt động từ thiện: Bà lãnh đạo, chỉ đạo, động viên công chức, người lao động trong cơ quan và tham gia tích cực các phong trào văn hóa văn nghệ, thể thao, hoạt động từ thiện của Công đoàn huyện và của Tòa án cấp trên tổ chức; cũng như tham gia tích cực các hoạt động xã hội, từ thiện do cơ quan và các cấp tổ chức. Vận động cán bộ người lao động trong cơ quan tham gia đóng góp đầy đủ các Quỹ Mái ấm công đoàn, Quỹ tình thương công đoàn, Quỹ Người nghèo, quỹ lũ lụt, hỏa hoạn...
Bà Đinh Thị Hồng tham gia Hội thao Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Hà Giang lần thứ VII chào mừng 77 năm ngày truyền thống Tòa án nhân dân (13/9/1945-13/9/2022)
Với những thành tích đã đạt được trên mọi mặt công tác, Bà Đinh Thị Hồng, Phó Chánh án, Thẩm phán Tòa án nhân dân huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang xứng đáng được tặng thưởng nhiều danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng cao quý và là tấm gương điển hình để lan tỏa, nhân rộng trong Tòa án nhân dân./.
Lê Hương