Thẩm phán là người giữ vị trí trung tâm trong quá trình giải quyết các vụ, việc so với những người tiến hành tố tụng khác, đồng thời Thẩm phán cũng đóng vai trò quyết định trong hoạt động xét xử. Vì vậy, trong quá trình giải quyết vụ án, Thẩm phán phải là người thể hiện sự công bằng thông qua hoạt động tố tụng, xét xử. Nhận thức rõ được vị trí, vai trò của người Thẩm phán, trong quá trình công tác Phó Chánh án, Thẩm phán Tòa án nhân dân thành phố Hưng Yên, Đào Thúy Hà luôn xác định nhiệm vụ của mình là giải quyết, xét xử đúng pháp luật các loại án, nhằm tuyên truyền pháp luật sâu rộng cho mọi tầng lớp nhân dân, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa theo tinh thần “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư”. Đây là nhiệm vụ khó khăn nhưng cũng đầy vinh dự, là niềm tự hào vô cùng thiêng liêng của người Thẩm phán. Chính vì lẽ đó, trong công tác giải quyết, xét xử, Bà luôn đặt trách nhiệm của người Thẩm phán lên trên hết và sự thật khách quan, công bằng, lợi ích của Nhân dân là trước hết để làm phương châm làm việc.

Thẩm phán Đào Thúy Hà, Phó Chánh án Tòa án nhân dân thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên
Ngoài việc không ngừng học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, chịu khó nghiên cứu, học hỏi, trau dồi những kiến thức mới để áp dụng vào việc giải quyết án, Bà còn rất tích cực nghiên cứu đề ra các giải pháp, sáng kiến thiết thực được Hội đồng khoa học, sáng kiến công nhận và áp dụng vào thực tiễn công việc đạt hiệu quả cao như: năm 2018 sáng kiến “Đổi mới công tác xét xử lưu động trong việc xét xử lưu động các vụ án hình sự”; năm 2020 sáng kiến “Nâng cao hiệu quả tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm”. Qua đó, số lượng cũng như chất lượng giải quyết án của Bà cũng được nâng lên rõ rệt, cụ thể: từ ngày 01/12/2015 đến ngày 30/4/2021, Bà đã trực tiếp giải quyết, xét xử 496 vụ, việc, không có vụ án nào quá hạn luật định, không có vụ án nào bị hủy, có 01 vụ án bị sửa (chiếm tỷ lệ 0,2%); mỗi năm Bà tổ chức được 01 đến 02 phiên tòa rút kinh nghiệm; công bố trên Cổng thông tin điện tử Tòa án nhân dân được 117 bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật thuộc diện phải đăng tải.

Bà Đào Thúy Hà, Thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa xét xử rút kinh nghiệm
Trong công tác quản lý, điều hành: với vai trò là Phó Chánh án, Bà đã giúp Chánh án lãnh đạo, chỉ đạo các hoạt động của đơn vị, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, là đơn vị có số lượng án giải quyết thuộc nhóm đầu trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, trong khi số lượng Thẩm phán ít (chỉ có 04 Thẩm phán) nhưng trong thời gian từ năm 2018 đến năm 2020, đơn vị đã giải quyết được 955/1.041 vụ, việc các loại (đạt tỷ lệ 91,7%) bằng sự nỗ lực, đoàn kết, đồng lòng, quyết tâm của tất cả công chức và người lao động dưới sự lãnh, chỉ đạo của đội ngũ lãnh đạo đơn vị.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của người Thẩm phán của mình, Bà đã đúc rút ra những kinh nghiệm khi giải quyết và xét xử các loại vụ án luôn phải tìm tòi và tích lũy kinh nghiệm để xây dựng kế hoạch cụ thể, khoa học; mục đích việc xét xử phải đúng người, đúng tội, không xử oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm, đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, cụ thể: Đối với án hình sự nghiên cứu kỹ toàn bộ hồ sơ vụ án một cách có hệ thống, nghiên cứu từng tài liệu sau đó so sánh với các chứng cứ khác để tìm ra mối liên hệ giữa các chứng cứ, trên cơ sở đó tổng hợp những điểm hợp lý và mâu thuẫn giữa các chứng cứ, tài liệu để xác định độ tin cậy của từng chứng cứ, tài liệu để xem xét vụ án có đủ điều kiện đưa ra xét xử hay cần phải làm rõ thêm để trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung hoặc ra các văn bản tố tụng khác theo quy định; không xem trước Cáo trạng của Viện kiểm sát trước khi nghiên cứu hồ sơ vụ án để đảm bảo xem xét vụ án một cách khách quan, không phụ thuộc vào quan điểm của Viện kiểm sát, đồng thời xây dựng kế hoạch xét hỏi khoa học và đưa ra hướng giải quyết vụ án đúng đắn, chính xác. Đối với các loại án dân sự nói chung và án hành chính phải nghiên cứu kỹ đơn khởi kiện, các tài liệu chứng cứ kèm theo để xác định có đủ điều kiện khởi kiện, thụ lý vụ án hay không, có cần bổ sung các tài liệu, chứng cứ gì không hoặc trả lại đơn khởi kiện nếu không đảm bảo đúng quy định của pháp luật; giai đoạn xây dựng hồ sơ vụ án là giai đoạn rất quan trọng, mỗi loại án có những đặc thù riêng nên cần phải căn cứ vào nội dung đơn khởi kiện, các tài liệu, chứng cứ kèm theo, trên cơ sở đó có kế hoạch làm việc, thu thập tài liệu chứng cứ, kiểm tra tính hợp pháp của tài liệu chứng cứ do đương sự xuất trình để làm căn cứ giải quyết vụ án; vận dụng linh hoạt lý luận và thực tiễn vào quá trình giải quyết vụ án, nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của các đương sự để làm tăng hiệu quả của các phiên hòa giải để họ tự nguyện thỏa thuận, thống nhất được với nhau trên cơ sở các quy định của pháp luật, đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự. Hoạt động xét xử của Tòa án là nơi thực hiện rõ nét nhất chất lượng hoạt động và uy tín của hệ thống cơ quan tư pháp, nơi thể hiện rõ nhất bản chất nhân dân, tính công bằng, công lý và dân chủ trong hoạt động tư pháp, trong đó Thẩm phán là người giữ vai trò trung tâm, là thành phần chính tạo nên chất lượng, hiệu quả của hoạt động xét xử. Chất lượng và hiệu quả hoạt động xét xử không chỉ phụ thuộc vào sự hoàn thiện của hệ thống pháp luật, cơ sở vật chất, phương tiện làm việc của các Thẩm phán mà còn phụ thuộc vào trình độ chuyên môn, phẩm chất đạo đức, trách nhiệm nghề nghiệp của họ. Nâng cao đạo đức nghề nghiệp của Thẩm phán là việc làm thường xuyên mà trước hết thuộc về trách nhiệm của mỗi Thẩm phán, của cả hệ thống chính trị và sự giúp đỡ, giám sát của nhân dân để Thẩm phán thực sự “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư” như lời Bác Hồ dạy, góp phần đảm bảo cho hệ thống Tòa án nhân dân thực sự là công cụ sắc bén của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, là chỗ dựa tin cậy của nhân dân.
Bằng những kinh nghiệm thực tế, phương pháp làm việc khoa học, sáng tạo trong quá trình công tác, Thẩm phán Đào Thúy Hà luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Nhiều năm liền đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua sơ cở”, “Chiến sĩ thi đua Tòa án nhân dân”, được tặng “Bằng khen” của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; năm 2021 Bà đã vinh dự là một trong những cá nhân được Chánh án Tòa án nhân dân tối cao tặng danh hiệu “Thẩm phán giỏi”./.
Lê Hương