Loading...
Skip to main content

Ông Lê Xuân Tuyên, Chánh án Tòa án nhân dân huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa - Thẩm phán giỏi năm 2021

(10/03/2022 14:53)

Sinh ra và lớn lên tại Thanh Hóa, sau khi tốt nghiệp Đại học Luật Hà Nội, ông Lê Xuân Tuyên được tuyển dụng làm Thư ký Tòa án. Tháng 4/2010, được bổ nhiệm Thẩm phán sơ cấp, đến tháng 3/2018 được bổ nhiệm Thẩm phán trung cấp. Từ tháng 7/2012 đến 9/2019, là phó Bí thư chi bộ, Phó Chánh án Tòa án nhân dân huyện Thường Xuân; từ tháng 10/2019, đến nay là Huyện ủy viên, Bí thư chi bộ, Chánh án Tòa án nhân dân huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa.

C:\Users\Computer\Desktop\tuyên.jpg

Chánh án Tòa án nhân dân huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa Lê Xuân Tuyên

Với vai trò là Huyện ủy viên, Bí thư chi bộ, Ông luôn nỗ lực cố gắng hoàn thành chức trách nhiệm vụ được giao, cùng với chi bộ đề ra nhiều giải pháp xây dựng chi bộ, cơ quan và các tổ chức quần chúng trong sạch, vững mạnh toàn diện, đổi mới nội dung, phương thức sinh hoạt chi bộ, phát huy được ý thức trách nhiệm của từng đảng viên nâng cao năng lưc lãnh đạo của chi bộ đối với mọi hoạt động của cơ quan và tổ chức quần chúng. Với vai trò là Chánh án, Ông đã lãnh đạo đơn vị hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chuyên môn. Từ tháng 12/2015 đến 30/4/2020, đơn vị đã giải quyết, xét xử 1806 vụ án các loại, tỉ lệ giải quyết hàng năm đều vượt mức chỉ tiêu đề ra; tỉ lệ hòa giải thành là 75%; án bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan của Thẩm phán đều dưới mức 0,5%. Đơn vị chủ động ký kết và thực hiện tốt quy chế phối hợp với các cơ quan Công an, Viện kiểm sát và Chi cục Thi hành án dân sự huyện trong việc điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Việc phối hợp tốt với các cơ quan tố tụng đã giúp cho quá trình xét xử, thi hành bản án kịp thời và đúng pháp luật, nâng cao uy tín cho Tòa án nhân dân. Kết quả công tác nhiều năm liền đơn vị đạt “Tập thể lao động xuất sắc”, năm 2019 được tặng “Bằng khen” của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

Cùng với nhiệm vụ lãnh, chỉ đạo, trên cương vị là Thẩm phán, Ông đã tích cực, gương mẫu trong công tác chuyên môn, xét xử các loại án. Tính trong thời gian từ tháng 12/2015 đến 4/2021, Thẩm phán Lê Xuân Tuyên đã trực tiếp giải quyết, xét xử 511 vụ, việc. Nếu như trung bình mỗi Thẩm phán trong đơn vị giải quyết,xét xử 7,9 vụ/tháng thì bản thân Ông giải quyết, xét xử 7,8 vụ/tháng. Các vụ án đã giải quyết, xét xử đều đảm bảo khách quan, đúng pháp luật, không có án oan, bỏ lọt tội phạm, không có án quá hạn luật định. Trong số 511 vụ, việc đã giải quyết có 02 vụ bị hủy do nguyên nhân chủ quan, chiếm tỉ lệ 0,39% (dưới mức quy định của ngành); Tổ chức 9 phiên tòa rút kinh nghiệm, công bố 132/132 bản án, quyết định thuộc diện phải công bố trên Cổng thông tin điện tử Tòa án nhân dân tối cao.

C:\Users\Computer\Desktop\tuyên.1.jpg

Thẩm phán Lê Xuân Tuyên chủ tọa phiên tòa xét xử

Trong quá trình công tác, Ông đã có nhiều biện pháp, sáng kiến đổi mới công tác được áp dụng vào thực tiễn đơn vị. Là người cầu toàn, làm việc khoa học, Ông đã mặc định cho mình những nguyên tắc khi làm việc, đặc biệt là công tác giải quyết, xét xử các loại án, như sau:

Một là, đối với công việc chung: Ông xây dựng kế hoạch làm việc khoa học tuần, tháng, quý… với đặc thù công việc quản lý phát sinh rất nhiều việc, Ông đã kịp thời đưa ra định hướng rõ ràng những việc trong tuần, cân nhắc thời gian giải quyết những việc phát sinh, dành nhiều thời gian nghiên cứu, sắp xếp các loại án để phân công cho Thẩm phán sao cho phù hợp với trình độ, năng lực, kinh nghiệm của từng người; phân công Thư ký phù hợp, đối với những vụ án khó thì phân công Thư ký có kinh nghiệm để hỗ trợ đắc lực cho Thẩm phán, tránh những sai xót không đáng có.

Hai là, trong công tác xét xử án Hình sự: ngay từ khi thụ lý, Ông thường xem xét qua về tố tụng, tội danh… trước khi phân công cho Thẩm phán. Những vụ án do Ông trực tiếp giải quyết, sẽ phải nghiên cứu kỹ hồ sơ, rà soát từng bút lục, lời khai, đánh giá chứng cứ, so sánh các điểm trùng hợp, khác biệt giữa các lời khai; nghiên cứu hoàn cảnh, động cơ mục đích của bị cáo để phân tích đánh giá toàn diện, khách quan các chứng cứ luận tội, chứng cứ gỡ tội. Lên kế hoạch điều hành phiên tòa, các câu hỏi trong phần xét hỏi, chuẩn bị các tài liệu cho việc xét xử một cách thuận lợi, đẩy nhanh tiến độ giải quyết, không để trường hợp nào án tồn, kéo dài. Đặc biệt chú trọng việc ban hành bản án, tự rà soát và yêu cầu Thư ký soát xét nội dung, thể thức, chính tả thật cẩn thận trước khi ban hành, để đảm bảo mỗi bản án, quyết định đều đúng quy định, tránh sai xót phải đính chính làm giảm tính uy nghiêm của bản án được Tòa án nhân dân công bố.

Ba là, trong công tác xét xử án Dân sự: Án dân sự rất phức tạp, rất nhiều trở ngại có thể gây khó khăn cho quá trình tố tụng như đương sự xin hoãn, đương sự chưa nhận được văn bản tố tụng...Vì vậy, muốn giải quyết vụ án được thuận lợi, cần phải nắm được đời sống xã hội, dân trí, phong tục tập quán địa phương. Thường Xuân và Nông Cống một huyện miền núi, một huyện đồng bằng của tỉnh Thanh Hóa, đời sống người dân còn khó khăn, dân trí thấp nên phải luôn chú trọng đến việc nắm bắt tâm tư, ý kiến trình bày, nguyện vọng và giải thích pháp luật cho người dân. Phân tích đánh giá mâu thuẫn và tìm ra nguyên nhân, giải pháp hòa giải, giải thích cho đương sự quyền và nghĩa vụ khi hòa giải vụ việc, từ đó tỉ lệ hòa giải rất cao, các đương sự tự thỏa thuận với nhau sẽ rất dễ thi hành, ổn định lòng dân, tránh mâu thuẫn phát sinh ảnh hưởng đến trật tự xã hội, đồng thời các đương sự không kháng cáo, Viện kiểm sát không kháng nghị, vụ án không phải xét xử lại, kéo dài gây mất thời gian, công sức của người dân.

Bốn là, đối với cấp sơ thẩm: Hội thẩm nhân dân tham gia xét xử sơ thẩm để phiên tòa xét xử đảm bảo đúng pháp luật, đúng người, đúng tội… Ông đã thường xuyên phối hợp với Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn Hội thẩm trao đổi, động viên, bố trí Hội thẩm nhân dân tham dự các lớp tập huấn nghiệp vụ do Tòa án nhân dân tỉnh tổ chức. Nâng cao chất lượng tham gia phiên tòa của Hội thẩm nhân dân là yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng xét xử các bản án sơ thẩm.

Có thể nói Người Thẩm phán muốn hành nghề tốt, cần trải qua quá trình rèn luyện phấn đấu, học hỏi và yêu nghề. Họ phải chuẩn bị cho mình một tâm thế bình tĩnh, sức chịu đựng áp lực, trách nhiệm cao đối với công việc. Với nhiều năm liền là Thẩm phán hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, Chiến sĩ thi đua cơ sở, Ông đã nỗ lực không ngừng nghỉ để có được thành quả công tác, được tập thể công chức và người lao động trong đơn vị tôn trọng, ngưỡng mộ và được lãnh đạo cấp trên đánh giá cao. Để ghi nhận thành tích xuất sắc trong công tác xét xử của Thẩm Phán Lê Xuân Tuyên, năm 2021, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã tặng thưởng danh hiệu “Thẩm phán giỏi”, đây là phần thưởng xứng đáng với những nỗ lực của bản thân đồng thời là động lực để Thẩm Phán, Chánh án Lê Xuân Tuyên phấn đấu hơn nữa trong công tác./.

Lê Xuân


Ý kiến bạn đọc

0 Bình luận

Ý kiến bình luận

Đổi mã xác nhận

Các tin khác

Lượt xem: 37
ácdscv