Sinh ra và lớn lên tại địa phương nơi đang công tác, Thẩm phán Hoàng Thị Lệ Hằng, hiện là Phó Bí Thư chi bộ, Phó Chánh án, Chủ tịch Công đoàn Tòa án nhân dân huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An.
Bà được bổ nhiệm thẩm phán sơ cấp tháng 8/2014 đến tháng 8/2019 được tái bổ nhiệm, tính đến nay đã gần ba nhiệm kỳ thẩm phán, với bà đó là quãng thời gian của sự cố gắng, nỗ lực, yêu nghề... Từ tháng 8/2016 đến 30/4/2021, Bà đã trực tiếp giải quyết, xét xử 535 vụ, việc (trung bình mỗi tháng giải quyết 9,5 vụ, việc); không có vụ án nào bị hủy, duy nhất có 01 vụ bị sửa (chiếm tỉ lệ 0,18%), không có án quá hạn, bỏ lọt tội phạm, oan sai; đã tổ chức 06 phiên tòa rút kinh nghiệm, việc tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm đều lựa chọn những phiên tòa có tình tiết phức tạp để vừa xét xử vừa tuyên truyền pháp luật trên địa bàn, có một số vụ án điển hình như: Nguyễn Lê Cường và đồng phạm phạm tội “Tàng trữ hàng cấm”; Nguyễn Đình Sáng phạm tội “Chống người thi hành công vụ”; Nguyễn Thị Mai phạm tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm”...Đây là những vụ án khó, có tính chất phức tạp, nổi cộm trong địa bàn nên việc đưa ra xét xử vừa phải đảm bảo chất lượng cả về tố tụng, đúng pháp luật và sự đồng tình của nhân dân.

Phó Chánh án Hoàng Thị Lệ Hằng
Thẩm phán Hoàng Thị Lệ Hằng luôn thực hiện nghiêm túc việc công bố bản án trên Cổng thông tin điện tử Tòa án nhân dân tối cao (đã có 216/515 bản án, quyết định thuộc diện phải công bố đã được đăng tải). Việc ban hành bản án, quyết định đều theo đúng biểu mẫu tố tụng, đảm bảo thời gian, đúng thẩm quyền; thực hiện giao, gửi bản án cho bị cáo, đương sự và các cơ quan chức năng đúng thời hạn luật định.
Từ khi được bổ nhiệm là Thẩm phán, Bà đã nỗ lực phấn đấu để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao cả về số lượng và chất lượng các loại án, hằng năm đều phấn đấu vượt chỉ tiêu công tác, tích cực tham gia các sáng kiến kinh nghiệm để phát huy năng lực, hiệu quả công việc. Năm 2018 với “giải pháp nâng cao chất lượng bản án”; Năm 2019 chuyên đề “Đánh giá và sử dụng chứng cứ trong vụ án Vi phạm quy định về tham gia giao thông”. Năm 2020 “Giải pháp nâng cao công tác hòa giải trong vụ án dân sự”. Trong đó giải pháp nâng cao chất lượng bản án được Bà tâm huyết và đưa ra bàn luận rất nhiều trong các buổi tạo đàm, trao đổi kinh nghiệm.
Bản án được Thẩm phán ban hành là văn bản tố tụng của Tòa án thể hiện thông tin, nội dung vụ án, pháp luật áp dụng, kết luận và nhận định của Tòa án về các vấn đề cần giải quyết. Bản án sơ thẩm là sản phẩm thể hiện toàn bộ nội dung hồ sơ vụ án, hoạt động tố tụng của cơ quan công quyền, là căn cứ để cơ quan thi hành án thực thi pháp luật, tuy nhiên còn có nhiều bản án tuyên không rõ ràng, khó thi hành, bản án viết còn khó hiểu, sai lỗi chính tả, đính chính nội dung.... từ đó sẽ làm giảm tính uy nghiêm của mỗi bản án. Chính vì thế Bà đã rất quan tâm và nhiệt huyết trong việc đưa ra sáng kiến giải pháp “nâng cao chất lượng bản án”. Đây là nội dung được Hội đồng khoa học sáng kiến Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An đánh giá cao và đã được áp dụng tốt tại cơ sở.

Thẩm phán chủ tọa phiên tòa Hoàng Thị Lệ Hằng tuyên án
Trên cương vị Phó Chánh án phụ trách án dân sự, Bà đã rút ra nhiều kinh nghiệm quý báu và tự nghiên cứu đưa ra 4 bước xây dựng quy trình xử lý vụ, việc dân sự, gồm:
Bước1: Phân công một Thẩm tra viên chịu trách nhiệm quản lý công tác thụ lý đơn, thụ lý các loại vụ việc theo thẩm quyền. Sau khi tiếp nhận đơn khởi kiện, nếu đủ tài liệu, chứng từ thì tiến hành thụ lý vụ án. Khâu thụ lý cần phải được thực hiện nhanh chóng, đúng quy trình và đảm bảo tài liệu, nội dung đơn thư rõ ràng. Nếu nội dung đơn chưa rõ ràng, yêu cầu không cụ thể cần thông báo ngay để đương sự sửa chữa, cung cấp chứng cứ ngay khi đương sự đến nộp đơn tránh phiền hà cho đương sự, tạo thiện cảm của người dân với cơ quan Tòa án.
Bước 2: Theo dõi, giám sát trong giai đoạn chuẩn bị xét xử. Giai đoạn này đòi hỏi người Thẩm phán tiến hành tố tụng theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự phải bám sát thời gian tố tụng, nắm bắt tình hình vụ án, nếu vụ án có tính chất phức tạp phải báo cáo nội dung vụ án, tiến độ giải quyết, khó khăn vướng mắc, ý kiến, yêu cầu đương sự...để lãnh đạo đơn vị có hướng chỉ đạo cụ thể, giải quyết các khâu vướng mắc sẽ giúp quá trình tố tụng xuôn sẻ, tránh tình trạng tạm đình chỉ giải quyết hoặc kéo dài thời gian đưa vụ án ra xét xử. Đồng thời, tạo cho Thẩm phán tự tin khi tiến hành tố tụng, phát huy tính chủ động sáng tạo của cá nhân thẩm phán và phối hợp trí tuệ tập thể để việc giải quyết vụ án khó được nhanh chóng, ngăn chặn được tình trạng nhũng nhiễu, cố tình kéo dài gây khó khăn cho đương sự.
Bước 3:Trước khi mở phiên tòa, Thẩm phán báo cáo toàn bộ nội dung vụ án, tài liệu, chứng cứ đương sự cung cấp, hướng giải quyết vụ án và bản án dự thảo, chỉ đạo hoàn chỉnh nội dung bản án, phương pháp xét, hỏi và điều hành tranh luận cũng như dự liệu các tình huống phát sinh. Từ việc báo cáo án, Thẩm phán sẽ có sự tham khảo các ý kiến của Tổ Thẩm phán, góp ý và khắc phục các vấn đề sai xót có thể xảy ra, từ đó hoàn thiện hơn việc xét xử, đúng trình tự tố tụng, ra bản án chính xác, đúng pháp luật.
Bước 4: Xem xét lại toàn bộ quy trình xét xử, quyết định của Hội đồng xét xử, kiểm tra lạiThẩm phán chủ tọa điều hành phiên tòa, điều hành buổi hòa giải có tốt không, còn có hạn chế gì cần rút kinh nghiệm sẽ thông qua tại các buổi họp tổ chuyên môn, họp cơ quan để góp ý, rút kinh nghiệm chung cho toàn đơn vị.
Quy trình 4 bước mà Bà đã áp dụng tại đơn vị, đã cho thấy kết quả chuyển biến tích cực trong công tác xét xử án dân sự trong những năm qua, đáp ứng tốt yêu cầu cải cách tư pháp, quy trình càng nghiêm ngặt thì bản án ban hành càng đạt hiệu quả, tránh được rất nhiều sai sót không đáng có. Từ quy trình đó mà chất lượng xét xử các vụ án dân sự được nâng cao rõ rệt, đồng thời tạo niềm tin của Nhân dân khi đến làm việc tại Tòa án.
Yêu nghề, tâm huyết với nghề nên Bà không ngừng học tập nâng cao trình độ, bản lĩnh chính trị, chuyên môn nghiệp vụ và hơn hết là sự cần cù, chịu khó, quyết tâm hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Bà đã liên tục nhiều năm được công nhận đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”, năm 2019 được tặng “Bằng khen” của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, năm 2020 đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua Tòa án nhân dân” và năm 2021 Bà đã vinh dự được tặng thưởng danh hiệu “Thẩm phán giỏi”. Đây là phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực của bản thân, đồng thời là động lực để Thẩm phán Hoàng Thị Lệ Hằng tiếp tục phấn đấu đạt nhiều thành tích cao hơn nữa./.
Lê Xuân