Đội ngũ công chức Tòa án nói chung, đặc biệt là chức danh Thẩm phán Tòa án nhân dân các cấp luôn chịu sự giám sát nhiều nhất trên cả hai phương diện, đó là cơ chế tiền kiểm và hậu kiểm. Trước mỗi phiên tòa hay khi ban hành bản án, các Thẩm phán chịu sự giám sát chặt chẽ củanhững người tham gia tố tụng; nhất là các Kiểm sát viên và Luật sư với tư cách là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các đương sự, cùng với đó là đội ngũ phóng viên báo chí được tham dự những phiên tòa công khai, họ cũng có thể tham gia giám sát. Theo cơ chế hậu kiểm là Kiểm sát viên không chỉ giám sát Thẩm phán trong quá trình xét xử và bản thân họ lại chịu sự giám sát của Viện kiểm sát cùng cấp, Viện kiểm sát cấp trên và Thẩm phán cũng chịu sự giám sát của Tòa án cấp trên. Không chỉ chịu sự giám sát từ nhiều phía, hiện nay Thẩm phán đang chịu sự quá tải về công việc chuyên môn…
Trong suốt quá trình công tác, Thẩm phán Mai Thị Tuyển (Tòa án nhân dân huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh) luôn xác định được nhiệm vụ của người Thẩm phán là giải quyết các loại án thuộc thẩm quyền theo sự phân công của lãnh đạo đơn vị; tham gia xét xử nhằm tuyên truyền pháp luật, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa theo tinh thần “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư”. Đây là nhiệm vụ vô cùng khó khăn nhưng cũng đầy vinh dự, là niềm tự hào vô cùng thiêng liêng của người mang sứ mệnh “bảo vệ Công lý”. Chính vì lẽ đó, trong công tác giải quyết, xét xử bản thân Bà luôn đặt trách nhiệm của người Thẩm phán lên trên hết và sự thật khách quan, công bằng, lợi ích của nhân dân là trước hết để làm phương châm làm việc.

Bà Mai Thị Tuyển, Thẩm phán Tòa án nhân dân huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh
Qua nhiều năm gắn bó với nghề, Bà đã đúc rút ra được những kinh nghiệm quý báu, thiết thực trong thực hiện nhiệm vụ của người Thẩm phán là: Bản thân luôn phải yêu mến, tâm huyết với công tác xét xử, thường xuyên cập nhật, nghiên cứu, tìm hiểu kiến thức pháp luật và các văn bản hướng dẫn, luôn có thái độ bình tĩnh lắng nghe thấu hiểu, coi lợi ích của người tham gia tố tụng gắn liền với lợi ích của chính mình, chấp hành tốt nguyên tắc tập trung dân chủ; luôn nêu cao ý thức tự lực, tự cường, xây dựng kế hoạch sâu sát, chặt chẽ từng vụ việc, bố trí thời gian hợp lý, vận dụng linh hoạt nhiều kiến thức pháp luật, kiến thức xã hội và công tác thực tiễn nhằm đẩy nhanh tiến độ giải quyết án, mục tiêu của bản thân đề ra là không để án tồn, án quá hạn luật định; chấp hành tốt nhiệm vụ của đơn vị đề ra, tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương IV- Khóa XII của Đảng về một số vấn đề xây dựng Đảng hiện nay; Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Quy tắc ứng xử của Tòa án nhân dân; căn cứ vào các chỉ tiêu, mục tiêu thi đua khen thưởng do các cấp chính quyền và đoàn thể phát động. Đây là nguồn động lực mạnh mẽ giúp cho bản thânThẩm phán Mai Thị Tuyển quyết tâm nỗ lực phấn đấu, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Với những kinh nghiệm rút ra từ quá trình thực tiễn công tác đã mang lại kết quả cho Thẩm phán Mai Thị Tuyển, cụ thể: Từ ngày 01/12/2015 đến ngày 30/4/2021, đã giải quyết, xét xử 1.302/1.317 vụ, việc các loại (đạt tỷ lệ 98,86%); bình quân giải quyết 20 vụ, việc/01 tháng (cao hơn 6,1 vụ, việc so với bình quân giải quyết của Thẩm phán trong đơn vị), hòa giải thành 1.111 vụ (đạt tỷ lệ 85,33%); không có án tạm đình chỉ, án quá hạn luật định, án bị sửa; 02 vụ án hủy (chiếm tỷ lệ 0,15%); hàng năm đảm bảo có ít nhất 01 phiên tòa rút kinh nghiệm; 100% bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật thuộc diện phải đăng tải được đăng công khai trên Cổng thông tin điện tử Tòa án nhân dân tối cao.

Thẩm phán Mai Thị Tuyển, chủ tọa phiên tòa xét xử rút kinh nghiệm
Để đạt được những kết quả nổi trội trong công tác chuyên môn như trên là sự nỗ lực, phấn đấu không ngừng nghỉ, sự cống hiến hết mình, nhiệt tình, trách nhiệm và sự sáng tạo trong công việc, thể hiện qua các biện pháp, giải pháp được Bà áp dụng vào thực tiễn công việc và đạt được hiệu quả rất cao, điển hình như:Giải pháp nâng cao chất lượng bản án, quyết định: xây dựng kế hoạch thực hiện công tác chuyên môn một cách khoa học; những vướng mắc trong việc giải quyết án đưa ra tập thể bàn bạc, tranh luận, trao đổi ý kiến để giải quyết kịp thời, đúng quy định của pháp luật; thận trọng xem xét thực hiện đúng theo trình tự tố tụng; tham gia, thực hiệnnhiều phiên tòa rút kinh nghiệm, sinh hoạt chuyên đề về nâng cao chất lượng viết bản án, quyết định; mạnh dạn đóng góp và học hỏi cách điều hành phiên tòa đảm bảo cho đương sự, bị cáo thực hiện đặc quyền tranh tụng; rút kinh nghiệm những lỗi mắc phải theo mẫu tố tụng, cách hành văn, lập luận chưa hay, cách viết còn dài dòng…; kiểm tra thật kỹ bản án, quyết định về cả nội dung và hình thức trước khi phát hành; nghiêm túc tiếp thu ý kiến đóng góp do Tòa án cấp trên kết luận trong các đợt kiểm tra công tác nghiệp vụ; ứng dụng công nghệ thông tin và việc viết bản án, quyết định; không ngừng cập nhật, nghiên cứu văn bản phục vụ cho công tác chuyên môn. Giải pháp nâng cao chất lượng hòa giải: khi tiếp nhận đơn khởi kiện, bản thân nghiên cứu kỹ nội dung để có sự chuẩn bị kỹ, xây dựng hồ sơ, lập kế hoạch hòa giải; trong phiên hòa giải, Thẩm phán phải thể hiện rõ vị trí, vai trò của mình vừa là người trung gian nhưng cũng là người điều đình, đồng thời cũng là trọng tài, luôn phải giữ chuẩn mực không đứng về bên nào, phải biết tăng giảm liều lượng căng thẳng hoặc mềm dẻo, duy trì mức độ trung hòa để đạt được mục đích hòa giải, phải biết lắng nghe cả hai bên, chắt lọc và gợi ý để đi đến thỏa thuận chung; thực hiện tốt các kỹ năng trong khi tiến hành hòa giải như kỹ năng lắng nghe, kỹ năng chắt lọc và tổng hợp, kỹ năng đặt câu hỏi; ngoài ra Thẩm phán phải là người có tinh thần trách nhiệm, có tính kiên trì với phương châm “Làm hết việc, không làm hết giờ”. Giải pháp nâng cao chất lượng giải quyết các loại án: ngay từ khâu xử lý đơn khởi kiện bản thân luôn nghiên cứu kỹ lưỡng về đối tượng tranh chấp để xác định quan hệ pháp luật, từ đó xác định chủ thể khởi kiện, bị kiện và thẩm quyền theo vụ việc; quá trình tiến hành tố tụng giải quyết, xét xử các loại án nếu có băn khoăn gì về thu thập, đánh giá chứng cứ, đường lối xét xử, thủ tục tố tụng đối với từng vụ án thì bản thân tham mưu với lãnh đạo tổ chức họp để tập thể Thẩm phán trong đơn vị cùng tháo gỡ, từ đó phát huy được trí tuệ tập thể, hạn chế thiếu sót, nâng cao chất lượng giải quyết các loại án.
Với những thành tích đạt được và những sáng kiến, giải pháp, kinh nghiệm trong công tác, liên tục trong các năm từ 2018 đến năm 2020: Thẩm phán Mai Thị Tuyển được công nhận “Công chức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”; năm 2020, được tặng “Bằng khen” của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; năm 2021, được Chánh án Tòa án nhân dân tối cao tặng thưởng danh hiệu “Thẩm phán mẫu mực”./.
Lê Hương