Thẩm phán Hứa Quang Thông, sinh năm 1972, hiện là Bí thư chi bộ, Thẩm phán trung cấp, Chánh án Tòa án nhân dân huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp. Ông được Chủ tịch nước bổ nhiệm chức danh Thẩm phán sơ cấp (lần đầu tiên theo Quyết định số 83/QĐ-CTN ngày 29/7/1999); trong suốt quá trình công tác của mình, Ông luôn nhận thức được trách nhiệm của người Thẩm phán mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó là người cầm cân nảy mực với nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, vì vậy luôn phải nói và làm theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.

Ông Hứa Quang Thông - Thẩm phán trung cấp,
Chánh án Tòa án nhân dân huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp
Trên cương vị là Bí thư chi bộ, Chánh án Tòa án nhân dân huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp, Ông luôn trăn trở, suy nghĩ và đưa ra các biện pháp, giải pháp trong việc đổi mới công tác quản lý, các sáng kiến kinh nghiệm, đề tài nghiên cứu khoa học áp dụng vào thực tiễn như: Đổi mới lề lối làm việc, nâng cao hiệu quả công tác; giải pháp nâng cao hiệu quả giải quyết án đạt chất lượng cao; phối hợp với các ngành hữu quan trong công tác cung cấp thông tin cho Tòa án; áp dụng công nghệ thông tin, sáng kiến trong công việc. Năm 2018, Ông đã tham gia viết chuyên đề “Thực trạng giải quyết các vụ án tham nhũng tại Tòa án nhân dân huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp”, đề tài có tính ứng dụng thực tế cao trong Tòa án và đã được Hội đồng nghiệm thu công trình nghiên cứu khoa học Tòa án nhân dân tối cao nghiệm thu đạt loại xuất sắc.
Với những sáng kiến, biện pháp đồng bộ được đưa ra kịp thời, nên trong khoảng thời gian từ 01/12/2015 đến ngày 30/4/2021, Tòa án nhân dân huyện Tam Nông đã giải quyết, xét xử được 4.309/4.453 vụ, việc các loại (đạt tỷ lệ 96,77%); không có án bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của Thẩm phán; không có án tạm đình chỉ; không có án quá hạn luật định.
Với vai trò là Thẩm phán, Ông luôn tâm huyết với nghề, có trách nhiệm cao trong công việc và biết đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết; đồng thời biết lắng nghe ý kiến, phản hồi của người dân về thái độ phục vụ của công chức, về chất lượng xét xử, giải quyết các tranh chấp với mục đích trên hết và duy nhất là mang lại sự công bằng, sự thật và lòng tin của nhân dân đối với công lý. Vì vậy, trong thời gian từ ngày 01/12/2015 đến ngày 30/4/2021, Thẩm phán Hứa Quang Thông đã giải quyết, xét xử 809 vụ, việc các loại; trong đó hòa giải thành 342 vụ, việc; xét xử 12 phiên tòa rút kinh nghiệm; công bố trên Cổng thông tin điện tử Tòa án 52 bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật thuộc diện phải đăng tải. Chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ, việc: không có án quá hạn luật định; không có án bị hủy, sửa.

Thẩm phán Hứa Quang Thông xét xử phiên tòa rút kinh nghiệm
Để đạt được những kết quả nêu trên, Ông đã rút ra được những kinh nghiệm như: Lãnh đạo cấp ủy, chi bộ với việc xây dựng Nghị quyết lãnh đạo, kế hoạch triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác, trong đó đặc biệt lưu ý đến các giải pháp lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chuyên môn thật sự phù hợp và hiệu quả; đồng thời, quán triệt chặt chẽ, sâu sắc đến từng Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký để triển khai đồng bộ, hiệu quả. Căn cứ vào tình hình thực tế của đơn vị, hàng năm xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ trọng tâm phải gắn liền với kế hoạch thực hiện các giải pháp đột phá của đơn vị; việc lựa chọn và thực hiện giải pháp đột phá phải phù hợp và sát với thực tế nhằm phát huy những ưu điểm, khắc phục những tồn tại, hạn chế của những năm trước. Trong công tác quản lý, điều hành hoạt động của đơn vị, tập thể lãnh đạo nhất là người đứng đầu phải luôn nêu gương, tận tụy, trách nhiệm và sâu sát, tạo môi trường trao đổi với các Thẩm phán, kịp thời nắm bắt những khó khăn vướng mắc trong công tác giải quyết, xét xử để có những giải pháp tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ giải quyết án tránh tồn đọng. Phải nhận thức được vai trò quan trọng của việc xây dựng đội ngũ Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký, vì cán bộ tốt thì công việc mới xong. Trong quá trình giải quyết, xét xử phải luôn tuân thủ đúng trình tự, thủ tục và đảm bảo thời hạn giải quyết theo quy định; lãnh đạo luôn quan tâm nhắc nhở các công chức và người lao động thực hiện đúng Quy chế văn hóa công sở, Quy tắc ứng xử và đạo đức của Thẩm phán trong công tác tiếp dân, tiếp xúc đương sự, hướng dẫn quy định của pháp luật tố tụng về thủ tục khởi kiện, thủ tục tố tụng trong quá trình giải quyết vụ việc, giúp người dân thực hiện đúng, đủ quyền và nghĩa vụ tố tụng của mình; giảm thiểu việc khiếu nại, tố cáo của công dân; đảm bảo được thời hạn giải quyết nhanh chóng, tránh gây phiền hà cho đương sự. Qua đó, tạo niềm tin cho người dân đối với hoạt động xét xử của Tòa án. Ngoài ra, qua thực tiễn giải quyết án, với kinh nghiệm của một người Thẩm phán lâu năm Ông cũng đưa ra được các giải pháp để nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ, việc, như: nâng cao chất lượng phiên tòa thông qua việc tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm; thường xuyên bồi dưỡng nghiệp vụ cho Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký thông qua các hình thức tổ chức các buổi họp cơ quan về nâng cao kỹ năng tố tụng; triển khai văn bản pháp luật, án lệ, nghị quyết, văn bản hướng dẫn để áp dụng thống nhất trong quá trình giải quyết án; nâng cao chất lượng, hiệu quả và tỷ lệ các vụ án hòa giải thành trong quá trình giải quyết án dân sự nói chung, đối thoại trong giải quyết các vụ án hành chính.
Để ghi nhận những thành tích cũng như kết quả đã đạt được, Thẩm phán Hứa Quang Thông đã được Chánh án Tòa án nhân dân tối cao tặng thưởng danh hiệu “Thẩm phán tiêu biểu” năm 2015, “Thẩm phán mẫu mực” năm 2021; đặc biệt, đã được Chủ tịch nước tặng thưởng “Huân chương lao động hạng ba” năm 2020. Đây là thành quả xứng đáng, là động lực giúp Ông ngày càng hoàn thành xuất sắc hơn nữa mọi nhiệm vụ mà địa phương và của ngành giao phó trong thời gian tới./.
Lê Hương