“Trên phiên tòa xét xử, họ tỏ rõ sự bản lĩnh, uy nghi của mình bằng những lời luận tội và kết án đanh thép, trả lại công bằng và trong sạch cho xã hội. Nhưng có ai biết, dù “gan vàng dạ sắt đến đâu, trong lồng ngực họ mãi đập một trái tim của người phụ nữ”.

Thẩm phán, Phạm Thị Kim Thoa tại Hội nghị triển khai công tác Tòa án năm 2021
Đến nay, nữ Thẩm phán Phạm Thị Kim Thoa đã có gần 20 năm “làm nghề Thẩm phán”. Nhiều năm đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”. Trong đó, đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua Tòa án nhân dân” năm 2020, được tặng “Bằng khen” của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao năm 2018, được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang tặng “Bằng khen” năm 2019. Đặc biệt, Bà đã được tặng thưởng danh hiệu “Thẩm phán giỏi” năm 2021, đây là phần thưởng cao quý dành cho Thẩm phán có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong công tác xét xử, có số lượng án bị hủy, sửa thấp hơn mức quy định chung cho phép.
Thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang là khu du lịch của tỉnh, có nhiều du khách và dân cư, các quan hệ xã hội đa dạng, phức tạp nên lượng án phát sinh hằng năm thường tăng lên so với những năm trước. Từ năm 2018-2020 Tòa án nhân dân thành phố Phú Quốc thụ lý 3.862 vụ, việc, đã giải quyết 3.245 vụ, việc (đạt tỷ lệ 84%); trên cương vị là Chánh án (người đứng đầu đơn vị), Bà đã cùng tập thể cấp ủy, lãnh đạo đơn vị vừa quản lý đơn vị, vừa trực tiếp giải quyết, xét xử 561 vụ, việc.
Đối với một Thẩm phán cấp huyện, luôn phải xét xử tất cả các loại án, mỗi loại án có khó khăn riêng đòi hỏi người Thẩm phán phải có kỹ năng, xác định các mối quan hệ pháp luật, nghiên cứu kỹ và vận dụng hợp lý. Án dân sự là án phức tạp, bao gồm nhiều vấn đề của đời sống xã hội nói chung, từ giải quyết tranh chấp đất đai đến ly hôn, phân chia tài sản và hàng loạt các tranh chấp khác… Để làm tròn vai trò của người Thẩm phán, giải quyết thấu tình đạt lý các vụ án, Bà luôn phải có một ý chí, tinh thần trách nhiệm cao, say mê công việc, đặc biệt với tinh thần độc lập, nỗ lực tìm ra cách giải quyết phù hợp với công việc. Đối với án hình sự (do bà trực tiếp xét xử cũng như phụ trách), trong quá trình xét hỏi người Thẩm phán nên đưa ra những câu hỏi mang tính đặt vấn đề để bị cáo tự nhận thức hành vi phạm tội và tự đánh giá mức độ nghiêm trọng của hành vi, để mỗi khi tuyên án, bị cáo cúi đầu nhận tội, không kêu oan. Đối với vụ án có đồng phạm cần xác định đúng vai trò chủ mưu, cầm đầu và trách nhiệm của từng bị cáo để lượng hình cho phù hợp với hành vi phạm tội của từng bị cáo. Ở dạng án này, bản tính kiên trì, tỉ mỉ, nhẹ nhàng, khéo léo vốn có của người phụ nữ chính là “chìa khóa” giúp Bà thành công.
Bùi Văn Dương