Ngày sinh: 23/8/1956 Trình độ chuyên môn: Cử nhân luật Trình độ lý luận chính trị: Cao cấp Số lượng vụ án giải quyết, xét xử (11/ 1994- 3/2016): 2.350 vụ. Số lượng án bình quân giải quyết: 9,14 vụ/tháng |  |
Quá trình công tác:
Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, tháng 5 năm 1987 ông Vũ Phi Long được tuyển vào làm thư ký Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh. Qua quá trình phấn đấu, học hỏi nâng cao nghiệp vụ và rèn luyện năm 1994 ông được bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, thực hiện nhiệm vụ xét xử các vụ án hình sự, đến năm 2000 ông được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Chánh Án Tòa hình sự Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh.
Thành tích đạt được:
Trong suốt thời gian công tác tại Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, ông luôn được Lãnh đạo đơn vị tin tưởng giao nhiệm vụ giải quyết rất nhiều loại án phức tạp, án trọng điểm. Trong đó có nhiều vụ án 20, 30, 40 bị cáo, hoặc nhiều như vụ Minh Phụng Epco lên đến 90 bị cáo với nhiều tội danh bị truy tố trước pháp luật và đặc biệt ông được tin tưởng giao nhiệm vụ xét xử đối với các vụ án xâm phạm an ninh quốc gia. Tất cả các vụ án phức tạp ông được phân công giải quyết ông đều hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, phục vụ tốt các yêu cầu nhiệm vụ chính trị, nghiệp vụ và đúng hướng cải cách tư pháp. Từ (01/11/1994 đến 31/3/2016) ông đã giải quyết xét xử được 2.350 vụ; bình quân giải quyết xét xử 9,14 vụ/tháng, không có án hủy, sửa do lỗi chủ quan của Thẩm phán.
Một số kinh nghiêm trong công tác:
Khi xét xử, người Thẩm phán không chỉ áp dụng các qui phạm pháp luật đơn thuần mà phải nắm vững nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa thông qua đường lối chính sách chung của Đảng, của Nhà nước trong từng giai đoạn. Thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Bác “Phụng công thủ pháp, chí công vô tư” trong tư duy của người Thẩm phán đã giúp cho công tác xét xử độc lập, chỉ tuân theo pháp luật đúng tinh thần cải cách tư pháp.
Thực hiện nguyên tắc độc lập xét xử của người Thẩm trong suốt quá trình xét xử và chịu sức ép rất lớn về mặt thời gian, đòi hỏi phải có kiến thức sâu rộng trên nhiều lĩnh vực và phải cập nhật liên tục các qui phạm pháp luật cũng như tình hình chính trị, xã hội. Do đó, để không ngừng nâng cao trình độ về mọi mặt ông luôn tâm niệm là phải “học, học nữa, học mãi”. Việc học này có thể có nhiều hình thức tùy theo hoàn cảnh, điều kiện của từng người nhưng nói chung, hàng ngày phải dành một thời lượng đáng kể để tăng cường tri thức nghề nghiệp, xã hội, trong đó việc sử dụng thành thạo Internet cũng như tham gia có chọn lọc các kiến thức trên mạng xã hội là cần thiết để học tập, cập nhật các kiến thức mới.
Nhiệm vụ chính của Thẩm phán là giải quyết, xét xử các loại vụ án công khai nên mọi hành vi ứng xử phải chuẩn mực, do đó ông luôn trau dồi, rèn luyện về kỹ năng để khi điều khiển phiên tòa biết ứng xử, xử lý tình huống nhanh nhạy, chính xác, ngay cả hoạt động khi nghị án. Theo ông cho biết, kinh nghiệm của bản thân đó là: Phải hết sức khiêm tốn, cầu thị, lắng nghe ý kiến góp ý chân tình của tất cả những người xung quanh, trước hết là đồng chí, đồng nghiệp trong cơ quan, với Hội thẩm nhân dân, với Kiểm sát viên, Luật sư … Sự khiêm tốn, cầu thị của người Thẩm phán trong lãnh vực này là tối quan trọng vì lẽ thông thường, những người xung quanh ta rất ngại nói ra những nhược điểm, khuyết điểm của Thẩm phán.

Thẩm phán Vũ Phi Long, chủ tọa phiên tòa xét xử
Về trau dồi bản lĩnh nghề nghiệp: Bên cạnh việc được đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ truyền thống thì bản thân ông có một kinh nghiệm là sưu tầm các bản án sơ, phúc thẩm, giám đốc thẩm (đã bị sửa hoặc hủy) hoặc thu thập nhiều các lý do trả hồ sơ điều tra bổ sung cùng với tài liệu thể hiện quan điểm trái chiều của các cơ quan tiến hành tố tụng. Tham gia đóng góp, nghe thảo luận về các dự thảo Bộ luật, luật, nghiên cứu sâu các chuyên đề trong Tạp chí Tòa án nhân dân, tham luận của các đơn vị, cá nhân. Ngoài ra, trong thời kỳ hội nhập quốc tế và từng bước nội luật hóa các Điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia trong lãnh vực hình sự, Thẩm phán cần có sự hiểu biết chuyên sâu về các qui định, nội dung cơ bản của các Công ước, Nghị định thư của Liên hiệp quốc có liên quan đến hoạt động lĩnh vực xét xử. Mặt khác ngay từ năm 1995, nhận thấy lợi ích của công nghệ thông tin (CNTT) nên ông đã đề xuất và được lãnh đạo cơ quan đồng ý tổ chức thiết lập mạng LAN (nội bộ) và khuyến khích thẩm phán, thư ký sử dụng máy vi tính, đảm bảo 2 mục tiêu: ứng dụng CNTT trong công tác quản lý và công tác nghiệp vụ xét xử.
Về ứng dụng CNTT trong hoạt động xét xử, từ năm 1996, nhận thấy thành phố Hồ Chí Minh là đơn vị có tỷ lệ án cao nhất nước, riêng về hình sự có đủ các loại án với tính chất mức độ rất phức tạp nhưng hệ thống tra cứu pháp luật cũng như việc tham khảo các văn bản pháp qui rất tản mạn, chồng chéo. Ông đã học hỏi và thiết lập các chương trình (nền Window) phục vụ được các mục tiêu:
- Tra cứu nhanh các qui phạm pháp luật, kể cả các Văn bản hướng dẫn hoặc những bản án mẫu.
- Lưu trữ các bài viết, những quan điểm tranh luận của Tạp chí Tòa án nhân dân
- Hệ thống phân loại các đặc điểm cấu thành, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ của các vụ án thường gặp. Bảng tra cứu và kết quả tính án phí (Exel)
- Bảng tổng hợp tính điểm thi đua của đơn vị (Exel) và đặc biệt do được lãnh đạo phân công xét xử nhiều vụ án xâm hại an ninh quốc gia và nhiều vụ án xâm hại quản lý kinh tế đặc biệt lớn (như vụ Tamexco; Minh phụng – Epco, các vi phạm trong lãnh vực tín dụng, ngân hàng …) nên ông có điều kiện tổng hợp những đặc điểm, đặc thù của từng loại án và đưa vào máy tính lưu trữ và xử lý . Hoạt động này đòi hỏi sự cần cù nhẫn nại và kết quả phục vụ rất tốt cho các Thẩm phán khi xét xử.
Các công tác khác: Ngoài nhiệm vụ và quyền hạn xét xử còn được đồng chí Chánh tòa Tòa Hình sự phân công phụ trách các vụ án hình sự sơ thẩm và công việc quản lý nội bộ, phụ trách thi đua.
- Về công tác chuyên môn: Trong nhiều năm gần đây, ông luôn hoàn thành tốt công tác xét xử các vụ án hình sự theo sự phân công của Lãnh đạo Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, luôn hoàn thành xuất sắc với tỷ lệ giải quyết trên 96%, chất lượng xét xử tốt, không để án quá hạn, không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội, không có án bị hủy hoặc cải sửa nghiêm trọng do lỗi chủ quan.
- Ngoài việc hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn nghiệp vụ ông cùng lãnh đạo quản lý đơn vị luôn hoàn thành công việc được giao, góp phần củng cố đoàn kết nội bộ và xây dựng tập thể Tòa Hình sự vững mạnh toàn diện; tham mưu giúp việc cho đồng chí Chánh tòa trong công tác lên lịch xét xử và thi đua được thể hiện qua việc tổ chức, bàn bạc kế hoạch, tìm biện pháp thúc đẩy và vượt chỉ tiêu thi đua, giải quyết án tồn đọng, thực hiện các chỉ tiêu thi đua đã đăng ký, góp phần xây dựng Tòa Hình sự nhiều năm qua luôn đạt và vượt chỉ tiêu thi đua hàng năm, thường vượt mức 99% số án thụ lý trong những năm gần đây từ năm 2013 đến năm 2015 tỷ lệ giải quyết án đạt tỉ lệ 99,81%. Riêng ông luôn đạt 100% số lượng án các loại được giao.
Trong suốt quá trình công tác, dù ở cương vị nào ông cũng không ngừng học hỏi kinh nghiệm về chuyên môn, nghiệp vụ, đồng thời tích cực học tập để nâng cao trình độ lý luận, chuyên môn, nghiệp vụ nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Để ghi nhận những thành tích đặc biệt xuất sắc trong công tác xét xử, trong rèn luyện và thực hiện chức trách, nhiệm vụ của người Thẩm phán, năm 2016 ông được Chánh án Tòa án nhân dân tối cao tặng thưởng danh hiệu “Thẩm phán mẫu mực”.
Nguyễn Khắc Định